Nếu sáp nhập với Lâm Đồng, Đắk Nông, du lịch Bình Thuận hứa hẹn ‘bùng nổ’ bởi sự tương hỗ cho nhau bằng các sản phẩm du lịch giữa “biển và hoa”.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận nhận định, trong bối cảnh sắp xếp lại các đơn vị hành chính, nếu Bình Thuận được sáp nhập với Lâm Đồng, Đắk Nông sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo giữa du lịch biển và du lịch hoa.
Sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng…
Theo ông Khoa, với chiều dài khoảng 192 km và có nhiều bãi biển đẹp nên Bình Thuận được mệnh danh xứ “biển xanh – cát trắng – nắng vàng”, đây là tài nguyên du lịch vô cùng lợi thế của địa phương này.
Năm qua, với điểm đến cốt lõi là Khu du lịch quốc gia Mũi Né, ngành du lịch Bình Thuận đã đón gần 10 triệu lượt khách; doanh thu đạt tới gần 26.000 tỉ đồng (tăng gần 18% so cùng kỳ).
Khách du lịch quốc tế chơi lướt ván diều ở bãi biển Mũi Né
Hiện nay, thế mạnh từ sản phẩm du lịch Bình Thuận vẫn là nghỉ dưỡng, trải nghiệm các đồi cát, khám phá đảo Phú Quý và đặc biệt là thế mạnh về thể thao biển được du khách quốc tế ưa chuộng.
Trong khi đó, thế mạnh của du lịch Lâm Đồng là khí hậu và hoa mà trọng tâm là thành phố hoa Đà Lạt vốn được du khách trong và ngoài nước yêu mến.
Cũng theo ông Khoa, nếu như Bình Thuận có văn hóa Chăm giao thoa với văn hóa làng chài; thì Lâm Đồng có văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Langbiang vốn rất nổi tiếng. Đó là chưa kể thiên nhiên ưu đãi cho Đà Lạt khí hậu mát mẻ quanh năm, với các sản phẩm du lịch nổi trội là du lịch sinh thái; du lịch mạo hiểm, du lịch nông nghiệp, khám phá văn hóa…
Khách quốc tế chơi các môn thể thao biển ở Mũi Né có thể kết hợp với tour du lịch mạo hiểm ở Đà Lạt
“Nếu giữa hai điểm đến Mũi Né và Đà Lạt được kết nối bởi các sản phẩm du lịch như đã nêu tôi nghĩ sẽ là sự tương hỗ cho nhau tuyệt vời. Nó sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng trên nền tảng kết hợp giữa du lịch biển và du lịch hoa” – ông Khoa phân tích.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, có thể kết hợp các sản phẩm du lịch mà “tưởng chừng như khó kết hợp”. Ví dụ, khách du lịch quốc tế ưa chuộng các môn thể thao biển ở Mũi Né (bơi, lướt ván diều, lướt ván buồm…) lại rất thích mạo hiểm tour trekking cung đường Tà Năng – Phan Dũng, dài khoảng 60 km xuyên qua rừng thông với địa hình đa dạng, phức tạp kết nối Lâm Đồng và Bình Thuận.
Điểm du lịch Langbiang của Lâm Đồng luôn thu hút đông đảo du khách
Hay tour trải nghiệm văn hóa Chăm bởi lễ hội Ka tê, tết Ramưwan của đồng bào Chăm (Bình Thuận), có thể kết nối với lễ hội cồng chiêng ở Langbiang của người K’ho, người Mạ ở Lâm Đồng.
Về giao thông, nếu Lâm Đồng có sân bay Liên Khương thì Bình Thuận cũng sắp có sân bay Phan Thiết cùng với hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam, từ TP.HCM đến Mũi Né chỉ 3 giờ di chuyển bằng xe ô tô cá nhân. Hoặc di chuyển từ Mũi Né đến Nha Trang bằng cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết cũng chỉ gần 3 giờ.
“Sự kết hợp giữ 2 điểm đến sẽ làm gia tăng sức hấp dẫn các thị trường du lịch quốc tế; tăng cường nhận diện thương hiệu và giảm chi phí quảng bá cho doanh nghiệp, tạo sự thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào du lịch”.
Tuy nhiên, ông Khoa cho rằng, sự kết hợp giữa du lịch “biển và hoa” chỉ đạt hiệu quả cao khi phát triển phải đi đôi với phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Cùng nhau bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng để tạo được các sản phẩm du lịch bền vững.
Thác Đắk G’lun, hồ Tà Đùng… sẽ đến gần với du khách hơn
Theo chuyên gia, nếu sáp nhập Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Thuận không chỉ để tạo ra một địa phương mới có biển, mà còn nhiều ý nghĩa quan trọng như phát triển du lịch, khai thác khoáng sản, xuất khẩu, kết nối giao thông, sân bay… Cụ thể, những điểm du lịch như Công viên địa chất Đắk Nông, thác Đắk G’lun, hồ Tà Đùng… sẽ được đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
Thực tế những năm gần đây, hồ Tà Đùng (xã Đắk Som, H.Đắk Glong) được xem là viên ngọc quý giữa đại ngàn núi rừng Tây nguyên. Nơi đây đang dần trở thành điểm du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế bởi vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa nên thơ.
Đến Tà Đùng vào những lúc mặt trời lên, ánh nắng chiếu rọi xuống mặt hồ lấp lánh như dát vàng. Vào mùa mưa, rừng cây quanh hồ xanh mướt, phản chiếu xuống mặt nước khiến cảnh vật trở nên sống động, tràn đầy sức sống.
Hồ Tà Đùng đang là địa điểm du lịch thu hút khách du lịch nhất của tỉnh Đắk Nông
Ngoài hồ Tà Đùng, ở Đắk Nông hiện nay còn có nhiều điểm du lịch khác cũng không hề kém cạnh như: Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, thác nước hùng vĩ Đắk G’lun…
Nhờ những thế mạnh như vậy, những năm gần đây, Đắk Nông đang dần nổi lên trên bản đồ du lịch Việt Nam. Vào cuối tuần hay những ngày lễ, tình trạng hết phòng lưu trú ở Đắk Nông thường xuyên diễn ra. Điều này, minh chứng rằng ngành du lịch tỉnh này có dư địa phát triển còn rất lớn.
Để ngành du lịch được phát triển hơn, ngay từ đầu năm 2025, UBND tỉnh Đắk Nông đã lập ra nhiều kế hoạch, trong đó có nội dung hợp tác với các địa phương lân cận như Lâm Đồng.
Chính vì vậy, theo nhận định của nhiều người làm trong ngành du lịch tại Đắk Nông, nếu Đắk Nông – Lâm Đồng – Bình Thuận sáp nhập với nhau sẽ thúc đẩy du lịch Đắk Nông hơn nữa.
Có nhiều năm làm du lịch tại Đắk Nông, ông Lương Thành Tài, Phó tổng giám đốc Công ty CP ĐTXD Phúc Lâm Thành (chủ đầu tư Khu du lịch thác Đắk G’lun, H.Tuy Đức, Đắk Nông) đánh giá: “Giả sử sáp nhập với Lâm Đồng – Bình Thuận sẽ tác động rất tích cực đến ngành du lịch ở Đắk Nông. Vì Lâm Đồng (đặc biệt là Đà Lạt) và Bình Thuận (Mũi Né) đã có thương hiệu du lịch nổi bật từ lâu. Nếu nhập chung, Đắk Nông có thể “ké” thương hiệu và thu hút lượng khách du lịch vốn đổ về 2 địa phương kia”.
Cũng theo ông Tài, việc tổ chức tour liên tỉnh sẽ thuận tiện hơn: ví dụ tour khám phá cao nguyên (Đà Lạt) – núi lửa (Đắk Nông) – biển (Phan Thiết), giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tăng chi tiêu. Khi là một phần của một tỉnh lớn hơn và có tiềm lực, Đắk Nông có thể được đầu tư mạnh hơn về giao thông, sân bay, dịch vụ lưu trú – điều kiện quan trọng để thu hút khách du lịch.
Đồng thời, khi nhập chung, các chiến dịch quảng bá quy mô lớn của tỉnh mới có thể đưa các điểm đến như Công viên địa chất Đắk Nông, thác Đắk G’lun, hồ Tà Đùng… đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
Núi lửa Nâm Kar (H.Krông Nô) thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông
“Theo tôi, việc sáp nhập tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng nếu diễn ra cũng không ảnh hưởng gì đến ngành du lịch, kể cả điểm đến Mũi Né hay Đà Lạt. Vì từ trước đến nay, du lịch ở 2 địa phương này đều có những sản phẩm khác biệt nhau, nên việc sáp nhập không những không ảnh hưởng gì, ngược lại còn bổ sung, hỗ trợ cho nhau tốt hơn để mở rộng phân khúc khách hàng nhiều hơn. Trong đó, sẽ giảm bớt chi phí quảng bá cho doanh nghiệp, nhưng lại tổ chức được các sự kiện quy mô to lớn hơn; nguồn lực đầu tư của xã hội sẽ tập trung hơn, hiệu quả hơn…”, ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, nhà đầu tư du lịch ở Mũi Né, phát biểu
- Bỏ khung giá đất: Bước đột phá lớn trong lĩnh vực đất đai-HARO LAND
- Loại đất không thể tách thửa mà người dân cần tránh khi mua
- Vì sao mãi các ngân hàng chưa được cấp room tín dụng mới?-HARO LAND
- Cách để chuyển đất nông nghiệp sang đất thổ cư nhiều nhất
- Hộ gia đình bán đất có cần tất cả thành viên phải có mặt?