Chính phủ đề xuất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thường gọi là sổ đỏ) cho người dân sử dụng đất từ trước khi luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực, dự kiến từ 1.7.2024.
Trong luật đất đai đang được Quốc hội xem xét sửa đổi, Chính phủ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người dân đang sử dụng đất ổn định nhưng không có giấy tờ, không vi phạm pháp luật đất đai, trước khi luật có hiệu lực là ngày 1.7.2024.
Quy định này là mở rộng hơn về mốc thời gian người dân “đang sử dụng đất ổn định” so với luật Đất đai hiện hành.
Luật Đất đai 2013 quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người dân đang sử dụng đất trước ngày 1.7.2014 với điều kiện phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Đối với những trường hợp khác, luật Đất đai quy định chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những người đang sử dụng đất ổn định trước 1.7.2004.
Theo Bộ TN-MT, cơ quan soạn thảo luật, cho biết, việc mở rộng thời hạn đến ngày 1.7.2024 là nội dung tiếp thu ý kiến nhân dân để giải quyết việc cấp giấy chứng nhận cho trường hợp hộ gia đình sinh sống thời gian dài (trước ngày 1.7.2024, có nhà ở, các công trình phục vụ sinh hoạt hộ gia đình…) nhưng chưa được công nhận quyền sử dụng đất.
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung thêm một phương án là cấp giấy chứng nhận cho những người đang sử dụng đất, có nhà ở, công trình xây dựng khác trong thời gian từ 15.10.1993 đến thời điểm nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng việc tiếp tục “nới” thời hạn này mỗi lần sửa đổi luật Đất đai cho thấy quy định về thời hạn là chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống, có thể có tác dụng ngược, dẫn tới giảm tính nghiêm minh của quy định pháp luật.
Do đó, đa số Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị lựa chọn phương án quy định thời hạn “đến thời điểm nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận” thay vì thời điểm luật có hiệu lực từ 1.7.2024 như Chính phủ đề xuất.
Tại phiên họp 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh nói, cần phải làm sớm nội dung này để quản lý.
Ông Khánh dẫn chứng thực tế khi ông làm lãnh đạo tại địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa là Hà Giang, đa số bà con có đất cha ông để lại cho làm nhà nhưng nhiều gia đình không có giấy tờ.
“Hiện nay việc chúng ta cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo đóng tiền thì bà con cũng không có tiền. Nhưng nếu không cấp thì không quản lý được và vẫn có tình trạng như vậy. Thực chất hầu như là đất của cha ông để lại, bà con đồng bào vùng sâu, vùng xa không quan trọng về giấy tờ, đất nào cũng xây được nhà hết. Việc này tháo gỡ cho vùng sâu, vùng xa là chủ yếu”, ông Khánh nêu.
Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 6 khai mạc từ 23.10 tới đây.
- GHI SAI DIỆN TÍCH THỬA ĐẤT TRÊN SỔ ĐỎ THÌ ĐÍNH CHÍNH HAY CẤP LẠI?
- Những trường hợp nào bị hủy sổ đỏ khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành?
- Luật 2023, đất nông nghiệp hết hạn sử dụng có bị thu hồi không?
- Cảnh giác với nhiễu loạn thông tin lãi suất huy động vọt lên 2 con số
- 6 trường hợp giá đất được trừ để tính thuế GTGT từ 12/9