Trước khi mua nhà đất, người dân cần tìm hiểu tại UBND hoặc các văn phòng công chứng xem nhà đất chuẩn bị giao dịch có gặp các vấn đề như: tranh chấp, bị khiếu nại, bị kê biên, thu hồi, giải tỏa, tháo dỡ nhà…
Tôi định mua một căn nhà. Tuy nhiên, tôi chưa từng mua nhà đất nên khá lo lắng và không hiểu giá trị pháp lý của căn nhà, đất có bị ngăn chặn không? Có đúng chính chủ của người bán hoặc có vướng pháp lý, quy hoạch gì hay không? Nhờ báo tư vấn giúp tôi cần phải làm gì trước khi bỏ tiền ra mua nhà đất.
Bạn đọc Xuân Mai thắc mắc với Thanh Niên.
Chuyên gia tư vấn
Đại diện Văn phòng Công chứng Nguyễn Thị Diễm Phương tư vấn, theo khoản 1 điều 118 luật Nhà ở, trước khi mua nhà đất, người mua phải tìm hiểu nhà, đất chuẩn bị giao dịch có đáp ứng đủ các điều kiện sau đây không:
Thứ nhất, có giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này, như: mua bán nhà ở hình thành trong tương lai; mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán nhà ở xã hội, nhà ở để phục vụ tái định cư không thuộc sở hữu nhà nước…).
Thứ hai, không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn.
Thứ ba, không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ tư, không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.
Do đó, bạn có thể mang bản photocopy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận) đến UBND quận, huyện nơi có nhà, đất để tìm hiểu, tra cứu và hỏi về những thông tin trên. Ngoài thông tin về quy hoạch, bạn cần nắm thông tin về thực trạng của Giấy chứng nhận, như: vị trí thửa đất, sự trùng khớp giữa thông tin trên Giấy chứng nhận với diện tích đo đạc thực tế…
Để tránh rắc rối, bạn nên tìm hiểu xem nhà đất mà bạn có ý định giao dịch có đang bị tranh chấp hay không, bằng cách tìm kiếm tin tức trên mạng, báo đài, trên cơ sở dữ liệu đã được lưu tại văn phòng công chứng, thông tin từ UBND phường, xã…
Bên cạnh nắm bắt các thông tin liên quan đến nhà đất, bạn cũng cần đặc biệt lưu tâm đến thông tin của người bán, để đảm bảo tính an toàn trong quá trình mua bán nhà đất.
Nếu chủ nhà ủy quyền cho người khác thay họ giao dịch mua bán nhà đất thì bạn nên liên hệ với các tổ chức công chứng, nơi ban hành hợp đồng ủy quyền, để xác định hợp đồng ủy quyền đó có hợp pháp không. Việc này sẽ giúp hạn chế có người mạo danh, làm giả hồ sơ để bán nhà cho bạn. Ngoài ra, bạn cần kiểm tra các giấy tờ liên quan như CMND, CCCD, giấy đăng ký kết hôn hay giấy chứng nhận độc thân…
Theo Báo Thanh Niên
- THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ 3 KHU DU LỊCH VEN BIỂN HƠN 5000 HA ĐƯỢC QUY HOẠCH Ở BÌNH THUẬN
- Có được xây nhà vượt quá diện tích sổ đỏ không?
- Dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương: Từ Đà Lạt đến TP.HCM chỉ còn 3 giờ
- HARO LAND TUYỂN DỤNG NHÂN VIÊN SALE THÁNG 4
- Giải phóng mặt bằng dự án vành đai 3 TP HCM từ tháng 10