Thủ tục tách thửa đất được thừa kế theo di chúc tiến hành thế nào?

Thủ tục tách thửa đất được thừa kế theo di chúc tiến hành thế nào?

Tách thửa đất để chia di sản theo nội dung di chúc là công việc khá phổ biến khi nhiều người cùng thửa kế một mảnh đất. Thủ tục tách thửa đất được thừa kế theo di chúc tiến hành thế nào?

 

Câu hỏi: Xin chào luật sư. Ba mẹ tôi mất đi để lại cho 03 người con mỗi người 1/3 thửa đất. Các anh tôi vẫn đang cãi nhau về di chúc này do anh cả muốn phần nhiều hơn để thờ cúng, còn anh hai có công chăm sóc ba mẹ lúc cuối đời. Vì thế, tôi chỉ muốn tiến hành tách phần đất mình được thừa kế ra thì thủ tục thế nào? Nếu các anh tôi không đồng ý thì sao?

Chào bạn. Giả sử thửa đất ba mẹ bạn để lại có đầy đủ điều kiện để tách Sổ đỏ như có Sổ đỏ, không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án, có đầy đủ diện tích tối thiểu và các điều kiện khác theo Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Lúc này, bạn cần tiến hành làm các thủ tục sau để được tách thửa đất thuộc thừa kế của mình ra khỏi mảnh đất chung mà ba mẹ để lại.

Thủ tục tách thửa đất được thừa kế theo di chúc

Bộ luật Dân sự 2015 quy định người có tài sản có quyền định đoạt tài sản của mình sau khi chết, được thể hiện trong di chúc đã lập. Tuy nhiên, có một số trường hợp được thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc. Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, chúng tôi tiếp tục giả sử ba mẹ bạn không còn ai được thừa kế ngoài 03 con ruột gồm bạn và 02 ảnh.

Lúc này, thủ tục chia thừa kế một phần thửa đất tiến hành như sau:

– Họp mặt những người thừa kế: Theo Điều 656 Bộ luật Dân sự 2015, sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thoả thuận cách thức phân chia di sản, thỏa thuận này phải được lập thành văn bản.

– Khai nhận di sản thừa kế: Bạn cần chuẩn bị hồ sơ để thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm:

+ Sổ đỏ nhà đất của ba mẹ bạn

+ Di chúc của ba mẹ bạn

+ Giấy chứng tử của cha mẹ là chủ của di sản thừa kế

+ Chứng minh nhân dân, hộ khẩu của những người thừa kế còn sống tại thời điểm làm thủ tục

+ Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, giấy tờ xác nhận, chứng minh quan hệ của người thừa kế với người đã chết

Thủ tục phân chia di sản thừa kế phải được công chứng hoặc chứng thực.

Phòng công chứng sẽ lập và niêm yết thông báo thừa kế. Sau đó, công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế.

Lưu ý:Khi yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, toàn bộ những người được hưởng di sản thừa kế đều phải có mặt tại văn phòng công chứng/phòng công chứng.

Sau khi hoàn thành thủ tục khai nhận di sản thừa kế, bạn tiến hành thủ tục tách sổ sau khi đã có đủ điều kiện theo quy định của Luật đất đai. Hồ sơ, thủ tục tách sổ được quy định tại khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT như sau:

– Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa theo Mẫu số 11/ĐK;

– Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

– Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế đã được công chứng;

– Giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp của người được nhận tài sản (sổ hộ khẩu…) và căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu còn hiệu lực;

– Giấy chứng tử của người mất.

Một người không đồng ý, phân chia di sản thừa kế được không?

Nếu các anh bạn không đồng ý thỏa thuận phân chia di sản thừa kế ba mẹ bạn để lại, bạn có thể gửi đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.

Theo Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết vụ việc này của gia đình bạn là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất.

Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định người khởi kiện cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, gồm:

– Đơn khởi kiện theo mẫu.

– Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân.

– Di chúc, giấy tờ về nhà đất, giấy tờ chứng minh mối quan hệ giữa người để lại di sản với người thừa kế,…

Sau khi nộp đầy đủ hồ sơ, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm không quá 04 tháng, vụ án phức tạp được gia hạn một lần không quá 02 tháng (theo Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0792 108 666