Tiền ứng trước bồi thường, giải phóng mặt bằng có được khấu trừ khi nộp tiền sử dụng đất không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 45/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2017/NĐ-CP có quy định:
Xử lý số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng
…
2. Trường hợp thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được trừ số tiền đã ứng trước vào tiền sử dụng đất phải nộp theo phương án được duyệt; mức trừ không vượt quá số tiền sử dụng đất phải nộp. Đối với số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng còn lại chưa được trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp (nếu có) thì được tính vào vốn đầu tư của dự án.
Hồ sơ đề nghị khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng gồm:
– Phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt: 01 bản sao;
– Chứng từ và bảng kê thanh toán tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng: 01 bản chính.
3. Trường hợp dự án đầu tư được Nhà nước giao đất không thông qua hình thức đấu giá có hình thức sử dụng đất hỗn hợp: Giao đất có thu tiền sử dụng đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất và nhà đầu tư tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì việc khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được tính theo từng loại diện tích và được phân bổ đều tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng của phần diện tích đất sử dụng vào mục đích công cộng vào các phần diện tích đất tương ứng.
Ngoài ra, tại Điều 11 Thông tư 76/2014/TT-BTC có quy định:
Xử lý tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng
Việc xử lý tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP, một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn cụ thể như sau:
…
2. Đối với trường hợp giao đất không thông qua hình thức đấu giá, việc hoàn trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cho ngân sách nhà nước do người được giao đất thực hiện và được nộp vào ngân sách nhà nước. Số tiền này, người sử dụng đất được trừ vào số tiền sử dụng đất phải nộp (nếu có) hoặc được tính vào vốn đầu tư của dự án (trong trường hợp người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất).
3. Trường hợp người sử dụng đất tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP thì cơ quan tài chính thực hiện ghi thu, ghi chi số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp theo quy định tại pháp luật về ngân sách nhà nước.
Như vậy, tiền ứng trước bồi thường, giải phóng mặt bằng được khấu trừ khi nộp tiền sử dụng đất nếu là trường hợp được Nhà nước giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, số tiền ứng trước này, người sử dụng đất được trừ vào số tiền sử dụng đất phải nộp (nếu có) hoặc được tính vào vốn đầu tư của dự án (trong trường hợp người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất).
Trường hợp nào người sử dụng đất được Nhà nước giao đất không thông qua hình thức đấu giá?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai 2013 thì các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất bao gồm:
– Giao đất không thu tiền sử dụng đất;
– Sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quy định tại Điều 110 Luật Đất đai 2013;
– Sử dụng đất quy định tại các điểm b, g khoản 1 và khoản 2 Điều 56 Luật Đất đai 2013;
– Sử dụng đất vào mục đích hoạt động khoáng sản;
– Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ;
– Giao đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức chuyển nơi công tác theo quyết định điều động của cơ quan có thẩm quyền;
– Giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại xã mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở;
– Giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại thị trấn thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở;
– Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất có thu phải đáp ứng điều kiện nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 17a được bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP vào sau Điều 17 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện sau đây:
+ Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Đất đai 2013. Trường hợp đấu giá một thửa đất hoặc một dự án gồm một hoặc nhiều thửa đất mà có hai (02) công ty trở lên có sở hữu chéo lẫn nhau theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp thì chỉ được một công ty tham gia đấu giá quyền sử dụng đất trên;
+ Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 58 của Luật Đất đai 2013, khoản 2 và khoản 3 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP;
+ Phải nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất;
+ Không thuộc đối tượng bị cấm tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật;
+ Đáp ứng điều kiện quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh bất động sản đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở, dự án kinh doanh bất động sản khác.