Thu hồi đất, bồi thường, tái định cư là những vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai mới nhất. Theo đó, nếu dự thảo này được thông qua và ban hành vào cuối năm nay, người dân bị thu hồi đất sẽ đón nhận nhiều tin vui.
Trong phạm vi bài viết này, HaRo Land sẽ đề cập đến các nội dung được quy định tại dự thảo sửa đổi Luật Đất đai mới nhất.
1. Giá bồi thường đất có thể tăng
Đây chính là một trong những nội dung thu hút nhiều sự quan tâm của người dân sau khi dự thảo sửa đổi Luật Đất đai mới nhất được đưa ra lấy ý kiến lần đầu vào hồi đầu tháng 01/2023.
Quan điểm này được đưa ra xuất phát từ quy định bỏ khung giá đất cũng được nêu tại dự thảo. Cụ thể, việc dự thảo bỏ khung giá đất và cho phép các địa phương được quyền tự quyết định bảng giá đất mỗi năm mỗi lần được cho là sẽ khiến bảng giá đất tăng cao, tiệm cận với giá thị trường.
Khi đó, giá đất trong bảng giá đất tăng sẽ ảnh hưởng đến giá đất thực tế để tính tiền bồi thường thu hồi đất. Bởi vậy, người dân có thể sẽ được nhận mức tiền bồi thường cao hơn so với hiện nay. Đây được xem là một tín hiệu vui đối với người dân khi bị thu hồi đất.
2. Được đảm bảo chỗ ở mới bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ
Đây là một trong những nội dung được bổ sung mới tại dự thảo sửa Luật Đất đai, giúp đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi. Cụ thể, khoản 2 Điều 89 Dự thảo này nêu rõ:
2. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Theo đó, để làm rõ hơn về nguyên tắc này, dự thảo cũng quy định các tiêu chí mà khu tái định cư khi bố trí cho người dân cần đạt được, gồm:
– Hạ tầng kỹ thuật: Đường giao thông phải kết nối giao thông giao thông liên kết với khu vực lân cận, điện chiếu sáng và điện sinh hoạt, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường.
– Hạ tầng xã hội: Đảm bảo trường học, dịch vụ y tế, nhà văn hóa, khu thể thao, chợ, khu thương mại – dịch vụ.
– Phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền.
Có thể thấy, nếu Điều luật này được thông qua, người dân bị thu hồi đất sẽ không còn phải lo lắng về chất lượng chỗ ở, nhà ở tái định cư như trước đây.
3. Thêm hình thức bồi thường khi thu hồi đất
Hiện hành, khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Điều 74. Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất
…
2. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
…”
Tại khoản 3 Điều 89 dự thảo sửa đổi Luật Đất đai không chỉ tiếp tục kế thừa hình thức bồi thường khi thu hồi đất nêu trên mà còn bổ sung thêm quy định trường hợp hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở.
Như vậy, dự thảo đã bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất, theo đó có thể bồi thường bằng đất cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở…
4. Chỉ thu hồi đất ở sau khi đã bố trí tái định cư
Tại khoản 6 Điều 85 của dự thảo Luật Đất đai quy định như sau:
6. Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ hoặc người có đất bị thu hồi đồng ý nhận tiền bồi thường để tự lo chỗ ở hoặc người có đất bị thu hồi đồng ý.
Như vậy, dự thảo mới đã có sự khác biệt so với luật hiện hành là việc tái định cư phải thực hiện trước rồi mới thu hồi đất. Đây là quy trình “ngược” so với luật hiện hành nhưng có thể xem là thay đổi tất yếu để phù hợp với thực tiễn.
Việc quy định như vậy sẽ giúp người dân sớm ổn định chỗ ở, nhanh chóng hòa nhập với nơi ở mới cũng như sắp xếp lại công việc, sinh hoạt.
5. Người bị thu hồi đất được chọn nơi tái định cư
Theo khoản 3 Điều 106 của dự thảo, người dân bị thu hồi đất được chọn nơi tái định cư theo thứ tự ưu tiên, trước hết tại cùng xã, phường, thị trấn.
Khi xã, phường, thị trấn không có địa điểm bố trí tái định cư, người dân có đất bị thu hồi được chọn nơi ở mới cùng quận, huyện, thị xã, thành phố.
Nếu cùng quận, huyện không có nơi tái định cư, người dân được chọn sống ở địa bàn khác có điều kiện tương đương.
Quy định này nhằm tạo điều kiện cho người dân lựa chọn nơi tái định cư sao cho thuận tiện và phù hợp nhất với công việc và sinh hoạt hàng ngày.
Trên đây là một số những điểm mới đồng thời là những thay đổi theo hướng có lợi cho người dân khi bị thu hồi đất, tái định cư. Nếu các quy định trên được thông qua vào cuối năm nay sẽ phần nào giảm bớt áp lực, nỗi lo cho người dân khi bị thu hồi đất.