Một trong những phương án kinh doanh bất động sản mang lại lợi nhuận lớn nhất là tách thửa thành nhiều thửa nhỏ. Tuy nhiên, những người đầu tư bất động sản cần nắm rõ những loại đất nào không được tách thửa để tránh rủi ro khi đầu tư.
- Không đáp ứng điều kiện về diện tích tối thiểu
Diện tích tối thiểu là diện tích mà thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách thửa không được nhỏ hơn (bao gồm cả trường hợp hợp thửa với thửa đất liền kề).
Điều kiện đầu tiên để được tách thửa cần phải đáp ứng đó là đủ điều kiện về diện tích, kích thước tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
Đây là điều kiện áp dụng đối với tất cả các tỉnh thành và các loại đất. Điều đó đồng nghĩa với việc thửa đất không đáp ứng được điều kiện về diện tích và kích thước tối thiểu sẽ không được phép tách thửa.
Theo đó, các thửa đất ở được hình thành từ việc tách thửa phải đảm bảo các điều kiện sau:
– Có diện tích không nhỏ hơn 30m2 đối với khu vực các phường, thị trấn và không nhỏ hơn 50% hạn mức giao đất ở tối thiểu theo quy định tại bảng trên với các xã còn lại.
– Chiều rộng và chiều sâu từ 03m trở lên (so với chỉ giới xây dựng).
- Đất tại tỉnh, thành tạm dừng thủ tục tách thửa
Một số tỉnh, thành hiện nay đã ban hành công văn chỉ đạo tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục tách thửa.
Lưu ý:
– Chỉ tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục chia tách thửa đất nông nghiệp. Việc tạm dừng này không áp dụng đối với thửa đất ở.
Muốn biết chính xác thông tin tạm dừng tách thửa loại đất nào phải xem chỉ tiết nội dung công văn của từng tỉnh, thành.
– Việc tạm dừng thủ tục tách thửa là biện pháp tạm thời nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng sốt đất, không cấm tách thửa trong thời gian dài (Luật Đất đai 2013 và văn bản quy định chi tiết không cấm tách thửa đối với đất nông nghiệp).
- Đất không có sổ đỏ, sổ hồng
Về nguyên tắc đất không có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) sẽ không đủ điều kiện tách thửa. Vì tách thửa thường được thực hiện khi chuyển nhượng, tặng cho một phần thửa đất; mà theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có Sổ đỏ, Sổ hồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai.
Tuy nhiên, vẫn có một vài tỉnh vẫn được tách thửa nếu đủ điều kiện cấp Sổ đỏ, Sổ hồng (chưa có Sổ đỏ, Sổ hồng). Ví dụ như tỉnh Bắc Kạn.
- Đất đang có tranh chấp, hết thời hạn sử dụng
* Đất đang có tranh chấp
Tại quyết định về điều kiện tách thửa của Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành đã quy định rõ đất không có tranh chấp mới được tách thửa. Trong khi đó nhiều tỉnh, thành không quy định rõ điều kiện này.
Mặc dù vậy, trên thực tế việc tách thửa thường được thực hiện chuyển nhượng, tặng cho một phần thửa đất. Chính vì vậy, đất có tranh chấp sẽ không đủ điều kiện tách thửa.
* Đất hết thời hạn sử dụng
Thời hạn sử dụng đất được chia thành hai nhóm, đất sử dụng ổn định lâu dài (như đất ở của hộ gia đình, cá nhân) và đất sử dụng có thời hạn (như đất nông nghiệp).
Khi đất không còn trong thời hạn sử dụng (hết thời hạn sử dụng đất) thì người sử dụng đất không được thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp,… Đồng nghĩa với việc muốn tách thửa cũng cần phải còn thời hạn sử dụng đất.
- Quyền sử dụng đất đang bị kê biên
Khi quyền sử dụng đất bị kê biên để bảo đảm thi hành án thì không chỉ quyền tách thửa mà quyền khác như chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp cũng không thể thực hiện được (theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013).
Đồng thời khi kê biên quyền sử dụng đất, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang quản lý giấy tờ về quyền sử dụng đất phải nộp các giấy tờ đó cho cơ quan thi hành án dân sự (theo khoản 1 Điều 111 Luật Thi hành án dân sự 2008).
- Không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất
Khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai 2013 quy định một trong những nguyên tắc sử dụng đất là phải sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Nguyên tắc này cũng được các tỉnh, thành quy định rõ trong quyết định quy định về điều kiện được phép tách thửa.
Theo đó, nhiều tỉnh, thành quy định rõ muốn tách thửa phải phù hợp với quy hoạch. Đất thuộc các dự án phát triển nhà ở theo quy hoạch, các dự án đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch cũng không được tách thửa.
Ví dụ: Tại Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND, Thành phố Cần Thơ quy định điều kiện tách thửa phải đáp ứng các điều kiện cụ thể, trong đó phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch sản xuất nông nghiệp.
- Đất đã có thông báo thu hồi
Khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai 2013 quy định trước khi có quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi cho người sử dụng đất biết trước thời điểm thu hồi một khoảng thời gian nhất định, cụ thể:
– Chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp.
– Chậm nhất là 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp.
Thông báo thu hồi đất được gửi đến cho người có đất bị thu hồi. Theo đó, khi có thông báo thu hồi đất thì cơ quan nhà nước sẽ từ chối hồ sơ đề nghị tách thửa của người sử dụng đất.
Tóm lại, những người đầu tư bất động sản cần nắm rõ những loại đất nào không được tách thửa để tránh rủi ro khi đầu tư.
Nguồn: ST
- Vì sao bất động sản được coi là khoản đầu tư “không có rủi ro”?
- Cập nhật nhanh nhất và chính xác tiến độ thi công DT719B- Hàm Thuận Nam tháng 6/2022
- Điều kiện để đất trong khu vực quy hoạch được phép giao dịch
- CII đã rót gần 2 ngàn tỷ cho NBB đầu tư dự án De Lagi
- Xác định vị trí thổ cư trên thửa đất như thế nào?