Trong khi các “thủ phủ” du lịch khác như Phú Quốc, Nha Trang và Đà Nẵng đang có dấu hiệu bão hòa thì Bình Thuận lại bật dậy mạnh mẽ trong khoảng vài năm trở lại đây.
Tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng ven biển của Bình Thuận từ lâu đã được đánh giá rất cao khi địa phương này sở hữu đường bờ biển dài gần 200km với hàng loạt bãi tắm đẹp. Trong số những bãi biển nổi tiếng phải kể đến “thủ đô” resort Mũi Né, mũi Kê Gà, La Gi…
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 560 cơ sở lưu trú đang kinh doanh với tổng cộng khoảng 16.500 phòng. Số lượng cơ sở lưu trú đã xếp hạng là 90, trong đó có ba cơ sở tiêu chuẩn 5 sao, 27 cơ sở 4 sao, 17 cơ sở 3 sao… Ngoài ra, Bình Thuận còn có hàng trăm căn hộ, biệt thự cho thuê.
Báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho thấy, kể từ hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017 đã có tác động lớn đối với tình hình kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2017 – 2019. Theo đó, từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 264 dự án với tổng số vốn đăng ký là 53.031 tỉ đồng.
Trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bình Thuận được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của cả nước và hình thành trung tâm du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia và quốc tế.
Bên cạnh tiềm năng được thiên nhiên ban tặng, bất động sản Bình Thuận sẽ có dịp “cất cánh” khi hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm sẽ được triển khai trong thời gian tới. Quan trọng hơn cả là dự án sân bay Phan Thiết và dự án cao tốc Giầu Dây – Phan Thiết.
Dự án sân bay Phan Thiết được Chính phủ xác định là sân bay quân sự – dân dụng kết hợp, được xây dựng trên tổng diện tích 543 ha, với vốn đầu tư lên đến 10.000 tỉ đồng. Bộ Quốc phòng là có thẩm quyền đối với khu bay quân sự, còn UBND tỉnh Bình Thuận có thẩm quyền đối với hạng mục hàng không dân dụng.
Sân bay Phan Thiết được chấp thuận nâng cấp từ cấp 4C lên cấp 4E, kéo dài đường cất/hạ cánh từ 2.400m lên 3.050m, đưa dự án trở thành cảng hàng không quốc nội cấp 4E với vai trò là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự, với công suất thiết kế là 2 triệu hành khách/năm
Dự án cao tốc Giầu Dây – Phan Thiết sẽ có điểm đầu nằm trên tuyến đường từ QL1A đi Mỹ Thạnh (cách QL1A khoảng 2,6km) tỉnh Bình Thuận và điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Chiều dài tuyến cao tốc khoảng 99km, riêng đoạn qua Đồng Nai dài 51,5km đi qua các địa phương Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Khánh và Thống Nhất. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 15.000 tỉ đồng.
Sau khi những dự án này đi vào hoạt động, khoảng thời gian di chuyển của du khách từ TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… đến Phan Thiết được rút ngắn và trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Để đón đầu lợi thế của những dự án hạ tầng nghìn tỉ, hiện nhiều ông lớn bất động sản đang đổ bộ vào nhiều khu vực của Bình Thuận. Có thể kể đến tập đoàn Novaland với tổ hợp Novaworld Phan Thiết và dự án NovaHills, hay như Nam Group cũng đang triển khai khu nghỉ dưỡng cao cấp Thanh Long Bay tại Kê Gà – Hòn Lan, Công ty Hưng Lộc Phát cũng đang đẩy nhanh tiến độ dự án Summerland Mũi Né… Tập đoàn FLC cũng đang thăm dò để tìm các quỹ đất đầu tư ở Bình Thuận.
Thực tế, không phải đợi đến khi những thông tin về các dự án hạ tầng được công bố thì bất động sản ven biển Bình Thuận mới được chú ý. Với vẻ đẹp của đường bờ biển sẵn có, trong quá khứ nhiều khu vực của Bình Thuận đã được các nhà đầu tư rót tiền để xây dựng các dự án nghỉ dưỡng ven biển, nhưng sau đó lại đổ bể vì nhiều lý do khách quan.
Đình đám hơn cả chính là khu vực Mũi Kê Gà (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam). Mũi Kê Gà có cung đường uốn lượn ven biển tuyệt đẹp, là nơi lý tưởng để phát triển bất động sản du lịch biển.
Nguồn: ST