Đến Bí thư Tỉnh ủy còn thấy bức xúc thì dân thường làm sao sống nổi!

Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An nói “Tôi bức xúc khi dân bị làm khó trong thủ tục đất đai”.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết 9 tháng đầu năm của UBND tỉnh Bình Thuận, ông Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận – đã kể 2 câu chuyện để ví dụ về việc người dân đã và đang bị các cơ quan chức năng liên quan đến lĩnh vực đất đai của tỉnh Bình Thuận “hành” như thế nào.

Đến Bí thư Tỉnh ủy còn thấy bức xúc thì dân thường làm sao sống nổi!

Chuyện thứ nhất: Có người dân xin được vẽ vị trí lô đất ở lùi vào bên trong, cách xa mặt đường, nhưng cán bộ đo vẽ không đồng ý, trong khi không có quy định nào cấm điều đó. Chỉ khi vụ việc đến tai lãnh đạo cao nhất của tỉnh thì cán bộ đo vẽ mới chịu đồng ý.

Chuyện thứ 2: Có một số trường hợp người dân có đầy đủ các điều kiện được chuyển đổi nhưng do trên đất ấy có một ngôi nhà người dân xây dựng không phép, đã ở từ lâu. Nay Văn phòng đăng ký đất đai yêu cầu phải đập bỏ ngôi nhà đã xây trái phép, tức là trả lại hiện trạng lô đất ban đầu mới cho chuyển đổi sang đất thổ cư. Có hộ dân do chờ quá lâu không được chuyển đổi nên đã đập bỏ ngôi nhà đã ở từ nhiều năm nay.

“Sau khi phát hiện có các hộ dân khác bị y như tình trạng trên, tức phải đập bỏ ngôi nhà đang ở mới cho chuyển thổ cư, tôi rất bức xúc và đã chỉ đạo phải điều chỉnh, không bắt dân phải đập nhà như vậy vì rất vô lý” – ông An nói.

Ông An cho rằng, “cán bộ như vậy thì không thể chấp nhận được”. Và ông đặt câu hỏi: “Thử nghĩ, nếu những người dân trong trường hợp trên là cha mẹ, anh chị em ruột gia đình những cán bộ đó thì họ có bức xúc không, có phản ứng không?”.

Làm cán bộ, ăn lương từ tiền thuế do dân đóng góp nhưng lại làm việc với tác phong “hành dân” mà ngay đến cả người đứng đầu địa phương là Bí thư Tỉnh ủy còn thấy bức xúc, còn thấy không chấp nhận được thì với dân thường – những người phải va chạm với những “cán bộ như vậy” – làm sao sống nổi?

Đáng nói là những “cán bộ như vậy” – những cán bộ có dấu hiệu quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân… như một trong 27 biểu hiện về suy thoái theo quy định của Đảng – không chỉ mỗi Bình Thuận mà khắp các tỉnh thành trên cả nước đều có.

Những “cán bộ như vậy”, nếu không “sửa” được thì phải thẳng tay loại bỏ ra khỏi hệ thống công quyền. Bởi như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, ngày 10.10 mới đây tại Hà Nội: “Cứ cậy mình là cán bộ cấp trên đi xuống hoạnh họe với dân là không được…”.

Và các chủ thể trong hệ thống chính trị cần phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định, tránh tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”, “anh nào cũng nghĩ quyền mình to”.

Bài viết cùng chủ đề:

Contact Me on Zalo
0792 108 666