Cùng chủ đề: mua nhà trả góp
Cuối năm 2019, anh Văn Chung (Hà Đông, Hà Nội) mua một chung cư bình dân tại quận Hà Đông, Hà Nội với giá 1,4 tỷ đồng. Do trong tay chỉ có khoảng 900 triệu đồng nên anh đã làm hồ sơ vay ngân hàng 500 triệu đồng trong thời hạn 5 năm, lãi suất ưu đãi trong 12 tháng đầu là 7,8%. Một phần vì nôn nóng vay để nhanh chóng nhận nhà, một phần vì nghĩ với thu nhập hiện tại, bản thân rất khó có thể trả nợ trước hạn nên anh không để ý đến quy định phạt phí trả nợ trước hạn.
Sang năm thứ 2, lãi suất tăng lên 11,8%. Lo sợ lãi suất ngày một tăng cao trong khi thu nhập không có gì tiến triển, anh Chung quyết định vay mượn của người thân và bạn bè (không lãi suất) để tất toán số nợ còn lại. Khi anh đến làm thủ tục thanh toán khoản vay trước hạn, ngân hàng thông báo khoản phí trả nợ trước hạn là khoảng 15 triệu đồng. Lúc này, anh Chung mới ngớ người vì khi ký hợp đồng tín dụng đã không để ý đến quy định phạt trả nợ trước hạn và cũng không kịp chuẩn bị số tiền phạt.
Trường hợp trên do khách hàng nóng vội, chỉ quan tâm tới khoản tiền được vay, lãi suất và thời hạn vay mà không để ý đến phí phạt trả nợ trước hạn, mặc dù khoản phạt khi thanh toán tiền trả góp trước thời hạn này đều được quy định rõ ràng trong hợp đồng.
Nhiều người không biết đến khoản phí trả nợ trước hạn
1. Phí Trả Nợ Trước Hạn Là Gì?
Để làm rõ mức phí trả nợ trước hạn là gì, bạn cần hiểu như thế nào là trả nợ trước hạn, hay theo thuật ngữ thường gọi là tất toán khoản vay trước hạn.
– Tất toán trước hạn là thủ tục khách hàng vay vốn muốn thực hiện việc thanh toán, hoàn trả khoản vay sớm hơn so với thời điểm theo thỏa thuận trên hợp đồng tín dụng.
– Phí trả nợ trước hạn là số tiền mà khách hàng phải thanh toán thêm cho ngân hàng khi muốn tất toán khoản nợ trước thời hạn đã cam kết theo quy định trên hợp đồng tín dụng.
Đa số các ngân hàng đều thu phí trả nợ trước hạn khi khách hàng tất toán khoản vay trước hạn.
2. Tại Sao Thanh Toán Khoản Vay Trước Hạn Lại Bị Phạt?
Cũng như anh Chung, nhiều người thường thắc mắc tại sao họ đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, thậm chí còn thanh toán tiền trả góp trước thời hạn quy định mà lại bị phạt.
Theo giải thích từ phía ngân hàng, khi cho khách hàng vay, ngân hàng đã cân đối nguồn vốn huy động để đáp ứng yêu cầu của khoản vay; đồng thời trong thời hạn cho vay theo hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng, các ngân hàng phải trả lãi, chi phí cho các nguồn vốn mà ngân hàng đã huy động để cho khách hàng vay. Việc áp dụng phí phạt trả trước là điều cần thiết để các ngân hàng cân đối thu – chi khi họ phải trả lãi suất huy động vốn cho người gửi tiền.
Khi thanh toán khoản vay trước hạn, người vay vốn sẽ bị phạt
3. Cách Xác Định Phí Trả Nợ Trước Hạn
Thông thường, các ngân hàng sẽ áp dụng mức phí phạt trả nợ trước hạn với các khoản đã giải ngân. Tuy vậy, quy định của mỗi ngân hàng là khác nhau và ngân hàng có thể áp dụng một trong các mức phí sau đây:
Phí Cam Kết Rút Vốn
- Áp dụng cho những khoản vay đã làm hồ sơ vay nhưng không rút vốn.
- Tại thời điểm thanh toán sớm, khách hàng phải trả Phí cam kết rút vốn này.
- Không phải ngân hàng nào cũng áp dụng mức phí này.
Phí cam kết rút vốn = Mức % phí phạt X Số tiền chưa giải ngân
Ví dụ thực tế: Giả sử, khách hàng ký hợp đồng tín dụng vay số tiền 500 triệu đồng trong 5 năm nhưng thực tế mới giải ngân 400 triệu đồng. Sau 1 năm, khách hàng muốn tất toán sớm khoản vay, khi đó, số tiền phí trả nợ trước hạn theo cam kết rút vốn là 1,5% x (500-400 triệu) = 1,5 triệu đồng.
Phí Phạt Trả Nợ Trước Hạn
- Áp dụng cho những khoản vay đã được ngân hàng giải ngân nhưng tất toán sớm hơn thời hạn ghi trong hợp đồng tín dụng.
- Tại thời điểm thanh toán khoản vay trước hạn, khách hàng sẽ phải trả khoản phí này.
- Đa phần các ngân hàng đều quy định mức phí trả nợ trước hạn này trong 5 năm đầu tiên.
- Một số ngân hàng có thể áp dụng phí phạt trong thời gian dài hơn.
Phí phạt trả nợ trước hạn = Mức % phí phạt X Số tiền gốc trả trước hạn
Tiếp tục giả định trên, ngân hàng xác định phí dựa trên số tiền đã giải ngân thì số tiền phí phải thanh toán cho ngân hàng sẽ là 2% X 400 triệu đồng = 8 triệu đồng.
Với những khách hàng đã được hưởng lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường tại thời điểm giải ngân mà trả nợ trước hạn trong thời gian 60 tháng kể từ ngày rút khoản vốn đầu tiên, ngân hàng có thể thu hồi cả phần lãi đã hỗ trợ.
Người vay cần nắm được cách tính phí trả nợ trước hạn
4. Lưu Ý Khi Ký Kết Hợp Đồng Vay Mua Nhà Trả Góp
Như vậy, để tránh việc phải trả phí trả nợ trước hạn quá cao, người mua nhà cần lưu ý những điều dưới đây khi tiến hành vay mua nhà trả góp:
Tìm Hiểu Mức Lãi Suất, Thời Hạn Vay, Hạn Mức Vay, Phí Phạt Tất Toán Trước Hạn
Tùy từng chính sách của ngân hàng và tổ chức tín dụng mà mức lãi suất áp dụng sẽ có sự khác nhau, tuy nhiên, khách hàng cần chú ý đến lãi suất ưu đãi áp dụng trong thời gian đầu và lãi suất thông thường áp dụng sau khi hết ưu đãi bởi hai con số này chênh lệch khá lớn, có thể ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu của khách hàng.
Hạn mức vay tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng chi trả của khách hàng cũng như các điều kiện mà đơn vị cho vay đưa ra. Khách hàng cần quan tâm tới yếu tố này và lựa chọn thời hạn vay phù hợp vì nó sẽ ảnh hưởng đến khoản tiền cần thanh toán hàng tháng.
Ngoài ra, khách hàng cũng cần lưu ý đến các điều khoản cam kết khác trong hợp đồng như chi phí phát sinh, phí bảo hiểm, phí cam kết rút vốn, phí phạt tất toán trước hạn… để luôn chủ động trong mọi tình huống.
Kiểm Tra Kỹ Lưỡng Thông Tin Trên Hợp Đồng
Hợp đồng tín dụng là văn bản ghi nhận thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Hãy dành thời gian xem xét tỉ mỉ các nội dung thỏa thuận tại hợp đồng. Đừng ngại yêu cầu phía ngân hàng giải đáp rõ các thắc mắc, nghi vấn nếu có nhằm tránh các rủi ro phát sinh bởi một khi đã đặt bút ký kết vay vốn bằng hợp đồng là đã liên quan đến pháp luật.
Đừng ngại hỏi nếu chưa rõ về khoản phí trả nợ ngân hàng trước hạn
Lưu Giữ Đầy Đủ Hồ Sơ Liên Quan
Sau khi ký kết kết các giấy tờ liên quan đến khoản vay, khách hàng sẽ được nhận lại 1 bản các hồ sơ đã ký kết. Hãy lưu giữ đầy đủ các hồ sơ này để làm căn cứ bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Giữ Liên Lạc Với Ngân Hàng
Thời gian, cách thức thanh toán gốc và lãi cho ngân hàng đã được quy định trong hợp đồng và bạn nên tự giác thực hiện. Ngoài ra, hiện nay, các ngân hàng đều có hệ thống nhắc nợ qua tin nhắn điện thoại, email hay ứng dụng. Bạn có thể đăng ký dịch vụ này để tránh tình trạng quên đóng tiền hay đóng tiền trễ hạn.
Khi thay đổi thông tin liên lạc (đổi số điện thoại, email) thì nên chủ động liên hệ với ngân hàng để cập nhật lại cách thức liên lạc. Tránh tình trạng để mất liên lạc và không nhận được các thông tin quan trọng, dẫn đến thanh toán chậm, ảnh hưởng đến điểm tín dụng cá nhân.
5. Quy Trình Tất Toán Khoản VayKhi muốn thực hiện tất toán khoản vay trước hạn, bạn có thể tham khảo quy trình tất toán như dưới đây:
– Bước 1. Xác định tổng số tiền còn lại phải thanh toán, bao gồm dư nợ gốc còn lại, tiền lãi, phí… theo thông báo của ngân hàng. Trong đó, dư nợ gốc còn lại = dư nợ nợ gốc ban đầu – dự nợ đã thanh toán hàng kỳ. Bạn cũng cần dự trù thêm các khoản phí phạt, tiền lãi mà ngân hàng sẽ thu hồi nếu có thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.
– Bước 2. Đối chiếu lại số liệu do ngân hàng tính toán và số liệu do chính bạn tính toán xem đã thống nhất chưa. Đặc biệt, cần chú ý đến mức phí trả nợ trước hạn, nếu không khớp thì cần hỏi lại do phía ngân hàng.
– Bước 3. Nộp tiền vào tài khoản để ngân hàng thực hiện thu nợ.
– Bước 4. Ký biên bản thanh lý hợp đồng tín dụng hoặc bản xác nhận đã tất toán khoản vay và hoàn thành nghĩa vụ trả nợ.
Quy trình tất toán khoản vay tại các ngân hàng có thể khác nhau
Trên đây đã đề cập đến phần phí trả nợ trước hạn khi tất toán khoản vay trước thời hạn quy định trên hợp đồng vay mua nhà. Nếu bạn còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến chủ đề này, hoặc muốn được chuyên gia tư vấn thêm về hình thức tương tự, thì có thể tìm đọc thêm các bài viết trong chủ đề mua nhà trả góp trên chuyên trang.
Nguồn: ST