Sổ đỏ đứng tên một người có vay ngân hàng được không?
Hiện nay theo quy định pháp luật không có định nghĩa cho từ sổ đỏ dù đây là từ ngữ được sử dụng rất phổ biến trong xã hội.
Dựa theo cách gọi và cách sử dụng thì sổ đỏ chính là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (theo khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013)
Theo Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 thì việc sử dụng sổ đỏ để vay ngân hàng là hình thức vay thế chấp ngân hàng.
Đây là hình thức vay vốn có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo là tài sản có giá trị thuộc quyền sở hữu của người đi vay, được ngân hàng giữ lại trong thời gian vay. Trong thời gian này, người đi vay vẫn có quyền sở hữu đối với tài sản. Nếu người vay không trả được nợ, ngân hàng có quyền xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.
Theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất như sau:
Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
…
Ngoài các điều kiện nêu trên thì để có thể sử dụng sổ đỏ để vay thế chấp ngân hàng thì điều kiện vay của mỗi ngân hàng sẽ khác nhau và thường sẽ xem xét các yếu tố sau:
– Người vay còn trong độ tuổi lao động, có thu nhập ổn định;
– Người vay không có nợ xấu;
– Tính hợp pháp của sổ đỏ dùng làm tài sản bảo đảm;
– Thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại nơi đặt trụ sở ngân hàng cho vay
– Có phương án sử dụng vốn vay phù hợp, khả thi và không bất hợp pháp.
Theo đó, các điều kiện để ngân hàng cho vay thế chấp sổ đỏ không bao gồm điều kiện về số người đứng tên sổ đỏ. Như vậy, việc sổ đỏ đứng tên một người không làm ảnh hưởng đến quyền thế chấp sổ đỏ của người vay.
Thủ tục sử dụng sổ đỏ vay ngân hàng quy định như thế nào?
Dựa trên quy định từ Điều 317 đến Điều 327 Bộ luật Dân sự 2015 thì thủ tục sử dụng sổ đỏ để vay ngân hàng được thực hiện như sau:
Bước 1: Khách hàng chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và nộp hồ sơ tại ngân hàng.
Bước 2: Ngân hàng thẩm định hồ sơ và tài sản bảo đảm (sổ đỏ).
Bước 3: Ngân hàng thông báo kết quả thẩm định cho khách hàng.
Bước 4: Hai bên ký hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản.
Bước 5: Ngân hàng giải ngân cho khách hàng.
Xử lý như thế nào đối với tài sản gắn liền với đất khi khách hàng thế chấp sổ đỏ?
Theo Điều 325 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất như sau:
Thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất
1. Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì tài sản được xử lý bao gồm cả tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì khi xử lý quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của mình; quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp trong mối quan hệ với chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao cho người nhận chuyển quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo đó, đối với trường hợp thế chấp sổ đỏ mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất thì xử lý như sau:
– Đối với trường hợp chủ đất là chủ tài sản gắn liền với đất: tài sản được xử lý bao gồm cả tài sản gắn liền với đất
– Đối với trường hợp chủ đất không là chủ tài sản gắn liền với đất: chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của mình