THẮNG CẢNH HÒN BÀ Ở LA GI VÀ LỄ HỘI VÍA BÀ NGÀY 21 – 23/3 ÂM LỊCH

  • Hòn Bà là một danh thắng nổi tiếng có Đền thờ Thiên Y A Na được tạo dựng vào khoảng thế kỷ XV – XVI, rất hấp dẫn, thu hút mọi tầng lớp, du khách trong, ngoài nước đến khám phá thưởng ngoạn cảnh đẹp hoang sơ của đảo và nghiên cứu nền văn hóa Chăm tồn tại lâu đời ở nơi đây. Thắng cảnh Hòn Bà được xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 2153/QĐ-UBND ngày 30/10/2012.

– Đến với Hòn Bà, du khách sẽ được thưởng ngoạn bầu không khí trong lành, mát mẻ, yên tĩnh và phóng tầm nhìn bao quanh cả dãy đất liến rộng lớn từ cửa Lagi đến mũi Khe Gà. Thiên nhiên hoang sơ, sóng biển vỗ nhịp đều sẽ làm quên đi những mệt mỏi, căng thẳng và âu lo trong cuộc sống đời thường sau những ngày làm việc mệt nhọc. Ngoài việc thưởng ngoạn phong cảnh, du khách còn có thể đi thuyền quanh đảo để câu cá và khám phá những gành đá, mỏm đá nhô lên, thụt xuống xen lẫn với từng đợt sóng vỗ tạo nên những bông hoa sóng biển và những giai điệu vui nhộn.

  •  Bên cạnh là thắng cảnh thiên nhiên, trên đỉnh còn thờ nữ thần Thiên Ya Na (Pô Inư Nagar), một vị nữ thần linh thiêng với nhiều truyền thuyết liên quan. Tín ngưỡng thờ Thiên Ya Na ở Hòn Bà được sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi rằng: “Đảo Thiên Y, tục gọi là Đảo Bà, trên đỉnh có thờ một hòn đá Thiên Y Diễn Bà”. Tại đền thờ Thiên Ya Na còn lưu giữ một thanh xà cò khắc chữ Hán có nội dung: Long Phi Đinh Mão trọng hạ nguyệt hoàn thành. Tạm dịch: Long Phi Đinh Mão tháng 5 hoàn thành. Căn cứ vào một số tư liệu lịch sử và truyền miệng lưu lại tại địa phương có thể xác định năm Đinh Mão ở đây là năm 1807. Như vậy, đền thờ Thiên Ya Na được người Việt tạo dựng bằng gỗ để che tượng Bà ở những năm đầu thế kỷ XIX. Đến những năm 50 của thế kỷ XX Mỹ cho ném bom xuống Hòn Bà làm sập ngôi đền thờ bằng gỗ và năm 1989 nhân dân địa phương mới xây lại ngôi đền tường vôi như hiện nay.

– Tế lễ chính tại đền thờ Thiên Ya Na diễn ra và kéo dài trong 3 ngày từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm. Trong những ngày diễn ra tế lễ hầu như cả hòn đảo chật cứng người tấp nập lên xuống và quanh chân hòn đảo hàng trăm ghe thuyền neo đậu dày đặc. Nhân dân địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận tề tựu về đây cùng có chung mục đích chiêm bái, thỉnh nguyện Thiên Ya Na phù trợ được an lành cuộc sống mưu sinh, lao động trên biển của họ được thuận buồm, xuôi gió và đánh bắt được nhiều tôm cá. Bên cạnh niềm tin tín ngưỡng, những người đến đây gần như hòa vào không khí của lễ hội, họ cùng nhau trò chuyện, thăm hỏi và cùng ca hát, biểu diễn những điệu múa dân gian truyền thống suốt ngày đêm trong thời gian diễn ra lễ hội tại đảo.

Bài viết cùng chủ đề:

Contact Me on Zalo
0792 108 666